Bỏ hoang rẫy nương vì… bụi

Gia đình anh Lê Viết Lĩnh là một trong hàng chục hộ dân đưa đơn kiện có lẽ bị ảnh hưởng trầm trọng nhất. Nhìn vườn cà phê rộng hơn 3ha bị bỏ hoang, cỏ cây mọc um tùm không được chăm sóc khiến chúng tôi không khỏi e ngại. Anh Lĩnh cho biết: “Giờ đang là mùa mưa nên còn đỡ, phải đợi tới mùa khô, anh chị mới thấy được hết. Bụi mù mịt đến người khoẻ mạnh còn không chịu được nữa là người già… Gần một năm nay, gia đình tôi mất hẳn thu nhập từ vườn cà phê, 4 miệng ăn phải sống tằn tiện nhờ vào vài sào ruộng lúa…”.

Đã nhiều lần gia đình anh gửi đơn lên cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết tình trạng trạm nghiền đá hoạt động gây tiếng ồn và làm ô nhiễm môi trường khu dân cư nhưng vẫn không được đáp ứng. Em Lê Viết Dương, con trai anh Lĩnh đang lụi cụi trong bếp khi nghe chúng tôi muốn hỏi thăm về việc khai thác đá chỉ lắc đầu: “Năm nay, hai anh em cháu vừa thi xong lớp 12 chuẩn bị ôn thi đại học nhưng không tài nào học nổi. Cứ mỗi lần xe ôtô ra vào đổ đá lại giật nẩy cả người, tiếng máy xay đá ầm ầm suốt ngày đêm khiến cháu không thể tập trung vào việc học. Không còn cách nào khác, cháu phải ra nhà bạn cách nhà hàng chục cây số để ở nhờ ôn thi”.

Hầu hết các gia đình tại thôn 5 đưa đơn kiện trạm nghiền đá của công trình xây dựng thủy điện Đồng Nai 5 đều cho rằng, việc xay đá gây tiếng ồn quá lớn, quá trình nghiền đá gây ra khói bụi nhiều nhưng không được xử lý ô nhiễm làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sản lượng hoa màu của người dân.

Nơi bảo có, chỗ bảo không (!)

 Qua tìm hiểu của chúng tôi được biết, ngày 15/3, Phòng Tài nguyên và môi trường (TN và MT) huyện Đắk Rlấp đã có Công văn số 06/CV-TNMT trả lời đơn thư khiếu kiện của các hộ dân trên. Tại công văn này nêu rõ, vào thời điểm kiểm tra, có 2 dàn máy nghiền đá với công suất 350 tấn/giờ đang hoạt động, đơn vị thi công cũng đã lắp đặt 11 béc phun sương, lắp hệ thống lưới chắn bụi… Tuy nhiên, trên thực tế bụi vẫn phát tán do phương tiện vận chuyển và máy nghiền đá gây ra. Khoảng cách từ trạm nghiền đá đến nhà 2 hộ dân gần nhất chưa đầy 100m và giáp ranh với vườn cà phê, tiêu, cao su…

Như vậy, căn cứ vào Quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT ngày 10/10/2002 của Bộ Y tế về việc ban hành các tiêu chuẩn vệ sinh lao động, khoảng cách về vệ sinh thì vị trí từ trạm nghiền đá đến các hộ dân là không phù hợp. Ngoài ra, trong quá trình thi công, đơn vị đã không tuân thủ và chấp hành theo đúng quy định của báo cáo đánh giá tác động môi trường như không tưới nước đường nội bộ, hệ thống phun sương tự động tại các băng tua và họng nghiền không thường xuyên làm bụi phát tán…

Tuy nhiên, đến ngày 5/4/2013, UBND huyện Đắk Rlấp lại có Công văn số 141/UBND-NL hoàn toàn trái ngược với công văn 06 của Phòng TN và MT trước đó. Theo công văn này thì việc khai thác thác đá tại trạm nghiền không ảnh hưởng đến sức khỏe và cây cối hoa màu của người dân xung quanh.

Trước những diễn biến phức tạp trên, ngày 19/6/2013, UBND tỉnh Đắk Nông đã ra Quyết định số 886/QĐ-UBND thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra hoạt động của trạm nghiền đá này. Theo kết quả Thông báo ngày 26/6/2013 của Đoàn kiểm tra 886 thì việc hoạt động tại trạm nghiền đá có tác động đến môi trường xung quanh (tiếng ồn, bụi), gây ảnh hưởng đến cây trồng và đời sống sinh hoạt bình thường của các hộ dân liền kề. Do đó, cần phải có phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho người dân trên cơ sở tính toán mức độ thiệt hại về cây trồng và sắp xếp chỗ ở của các hộ dân ra khỏi khu vực ảnh hưởng.  

Công văn nêu rõ là vậy, nhưng khi trả lời chúng tôi trước câu hỏi vì sao có sự chậm trễ trong việc giải quyết đơn kiện, ông Trần Văn Tiến, Chánh Văn phòng UBND huyện Đắk Rlấp cho hay: “Sau khi nhận được đơn khiếu kiện của các hộ dân, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng TN và MT thuê đơn vị có chức năng lấy mẫu và phân tích chỉ tiêu về môi trường tại điểm khai thác đá. Qua phân tích cho thấy, việc khai thác đá không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cây cối hoa màu của người dân. Tuy nhiên, các hộ dân này đã không đồng tình với việc giải quyết của UBND huyện nên đã tiếp tục gửi đơn khiếu kiện”.

Ông Tiến còn cho biết thêm, công trình thủy điện Đồng Nai 5 đang bước vào giai đoạn nước rút, việc chậm trễ thi công một ngày có thể gây ảnh hưởng đến tiến độ và thiệt hại rất lớn… Thiết nghĩ, việc thi công công trình đúng tiến độ là hết sức cần thiết, tuy nhiên không chỉ vì vậy mà gây ảnh hưởng đến đời sống của hàng chục hộ dân lại bị cơ quan chức năng địa phương phớt lờ, không giải quyết thấu đáo, gây bức xúc trong nhân dân.

Đã đến lúc chính quyền địa phương, mà cụ thể ở đây là UBND huyện Đắk Rlấp cần sớm có hướng xử lý dứt điểm tình trạng trên, tránh gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương

Văn Thành